Ảnh minh họa (Nguồn: haiquanonline).
Loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và công khai các dữ liệu mở
Căn cứ Điều 39 Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024), các loại hình GDĐT của cơ quan nhà nước (CQNN) được quy định bao gồm: (1) GDĐT trong nội bộ CQNN; (2) GDĐT giữa các CQNN với nhau; (3) GDĐT giữa GDĐT với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phụ trách Phòng Thẩm định chính sách, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT, bên cạnh quy định 3 loại hình giao dịch điện tử của CQNN, Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 cũng đã quy định về việc quản lý dữ liệu hay việc sử dụng CSDL dùng chung.
Cụ thể, Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 quy định về cách thức quản lý dữ liệu thống nhất, tập trung và việc phân chia theo 3 cấp độ quản lý là: CSDL quốc gia, các CSDL các bộ, ngành và CSDL của các địa phương. Luật cũng quy định về việc đồng bộ, chia sẻ, cập nhật, kết nối chia sẻ các dữ liệu này giữa các cơ quan, người dân và DN. Và việc tích hợp kết nối chia sẻ sẽ được thực hiện qua các Cổng kết nối hay các nền tảng kết nối chia sẻ như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
Ngoài ra, Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 còn bổ sung thêm quy định liên quan đến phần dữ liệu mở của CQNN. Theo đó, trách nhiệm của CQNN là phải công khai các dữ liệu mở trên các trang, cổng thông tin dịch vụ dữ liệu của CQNN và cho phép người dân khai thác, sử dụng các dữ liệu mở này. Các dữ liệu mở này có 3 đặc điểm là: được người dân sử dụng miễn phí, được sử dụng tự do và được tự do chia sẻ các dữ liệu mở.
Cụ thể, Căn cứ Điều 43 Luật GDĐT 2023 quy định về dữ liệu mở của CQNN như sau:
Dữ liệu mở của CQNN là dữ liệu được CQNN có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. CQNN công bố dữ liệu mở để cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ nhằm thúc đẩy GDĐT, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Dữ liệu mở phải toàn vẹn và phản ánh đầy đủ thông tin do CQNN cung cấp, được cập nhật mới nhất, có khả năng truy cập và sử dụng trên mạng Internet, bảo đảm khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý được, tuân thủ định dạng mở và miễn phí.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do truy cập sử dụng dữ liệu mở, không yêu cầu khai báo định danh khi khai thác, sử dụng dữ liệu mở.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tự do sao chép, chia sẻ, trao đổi, sử dụng dữ liệu mở hoặc kết hợp dữ liệu mở với dữ liệu khác; sử dụng dữ liệu mở vào sản phẩm, dịch vụ thương mại hoặc phi thương mại của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trích dẫn, ghi nhận thông tin sử dụng dữ liệu mở trong sản phẩm, dịch vụ, tài liệu liên quan có sử dụng dữ liệu mở.
CQNN không chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào của cơ quan, tổ chức, cá nhân phát sinh do việc sử dụng dữ liệu mở gây ra.
Hệ thống thông tin phục vụ GDĐT
Về hệ thống thông tin (HTTT) phục vụ GDĐT, ông Nguyễn Văn Hà cho biết Luật GDĐT 2005 chưa có quy định về các HTTT này, gây khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, Luật GDĐT 2023 đã bổ sung các quy định cụ thể về các loại HTTT về GDĐT hay là tài khoản GDĐT cũng như là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản HTTT phục vụ GDĐT cũng như quy định về nền tảng số, nền tảng trung gian phục vụ GDĐT.
Luật GDĐT 2023 cũng đã có quy định đối với HTTT như yêu cầu đối với chủ quản HTTT, chủ quản các nền tảng số, nền tảng số trung gian, đặc biệt là chủ quản nền tảng số trung gian lớn để phục vụ GDĐT; quy định cụ thể đối với từng chủ quản HTTT tương ứng để đảm bảo trách nhiệm của các chủ quản khi mà triển khai các GDĐT.
Bộ TT&TT là đầu mối quản lý nhà nước về GDĐT
Về nội dung quản lý Nhà nước (QLNN) về GDĐT, ông Nguyễn Văn Hà cho biết chương VI của Luật đã quy định giao Chính phủ thống nhất QLNN và giao Bộ TT&TT là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cũng như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng QLNN trong lĩnh vực cơ yếu, CKS chuyên dùng công vụ. Trong khi đó, các Bộ ngành, UBND các tỉnh phối hợp với Bộ TT&TT để thực hiện QNLL về GDĐT trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Do Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 thay thế Luật GDĐT 2005, ông Nguyễn Văn Hà cho biết Luật (sửa đổi) 2023 bổ sung các điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo các yếu tố của giá trị pháp lý trước đây được tiếp tục triển khai thực hiện cũng như đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khi triển khai áp dụng Luật GDĐT năm 2005, theo đó, GDĐT 2023 quy định điều khoản chuyển tiếp đối với các chứng thư số cũng như đối với các giấy phép và các xác nhận đăng ký cũng như các hồ sơ đăng ký được triển khai trước đây theo Luật GDĐT 2025 thì tiếp tục được áp dụng và đều có giá trị pháp lý.
Khi Luật GDĐT năm 2023 được ban hành thì Bộ TT&TT cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành Luật, trong đó có các nội dung cần lưu ý.
Cụ thể như đối với các CQNN, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tập huấn để mọi người nắm được rõ hơn các quy định của luật GDĐT cũng như là các cơ quan Bộ, ngành phải triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Ngành mình xây dựng để xem xét đề xuất, sửa đổi phù hợp với Luật GDĐT 2023.
Sau khi rà soát xong, Bộ, ngành phải có ban hành kế hoạch ban hành các văn bản để phù hợp với Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 cũng như đối với một số các quy định của Luật GDĐT (sửa đổi) 2023, Chính phủ cũng đã phân công các cơ quan chủ trì để xây dựng các văn bản quy định chi tiết như xây dựng các quy định hướng dẫn liên quan đến chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Đối với các tổ chức, DN, người dân, ông Nguyễn Văn Hà cho biết, cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thêm các quy định của Luật GDĐT (sửa đổi) cũng như trên cơ sở đó áp dụng các quy định mà khi thực hiện kinh doanh trên môi trường điện tử để phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình như sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số, dịch vụ tin cậy. Còn đối với các chủ quản HTTT phải chủ động nâng cấp hệ thống để đáp ứng các quy định mới của Luật GDĐT (sửa đổi) năm 2023./.